Thủ môn Ederson của Man City không nằm trong Top 10 về số cầu thủ ra sân nhiều nhất Premier League 2020/21.
Không tính thủ môn thì cầu thủ Man City ra sân nhiều nhất ở Premier League là Ruben Dias. Anh không có tên trong danh sách 50 cầu thủ thi đấu nhiều nhất ở Premier League. Sau Dias là Rodrigo và Raheem Sterling - đứng thứ 68 và 98 về số phút thi đấu ở giải Ngoại hạng Anh mùa này.
Ở thống kê khác, ngôi sao trẻ Phil Foden chỉ đứng thứ 13 trong nội bộ Man City về số phút thi đấu ở Premier League. Nhưng ngược lại, Foden là cầu thủ Man City thi đấu nhiều nhất ở Champions League, ngoài thủ môn Ederson. Chưa bao giờ Foden được thi đấu nhiều như mùa này (hiện là 47 trận, đã hơn 9 trận so với cả mùa trước). Anh là cầu thủ đầu tiên ở Man City mùa này đạt đến cột mốc có 2 chữ số, trong cả hai thống kê quan trọng là số bàn thắng và số đường chuyền thành bàn. Nhưng Foden chỉ được đá chính 15 lần trong 35 vòng đấu đã qua ở Premier League.
Tất cả nói lên câu chuyện “xoay tua” lực lượng của HLV Pep Guardiola? Quá rõ ràng. Câu chuyện ấy là như thế nào, mỗi người lại có cách cảm nhận khác nhau.
Nói đến Guardiola là phải nói đến đặc điểm “nghĩ quá nhiều”, mà chi tiết cụ thể quan trọng nhất trong đặc điểm này chính là xuất phát điểm của mọi trận đấu: chọn đội hình chính (kèm theo chiến thuật cụ thể, dĩ nhiên).
Dù là thủ môn song Ederson không nằm trong tốp cầu thủ ra sân nhiều ở Ngoại hạng Anh
Guardiola không thể không thay đổi, đơn giản vì không có đối thủ nào, trận đấu nào, giải đấu nào, hoàn toàn giống nhau. Đấy là chỉ mới nói đến các quyết định tùy theo đối thủ, trận đấu cụ thể. Hoàn cảnh riêng của Man City dĩ nhiên cũng rất quan trọng, để Guardiola phải suy nghĩ trước khi lựa chọn.
Xin nhắc lại: đấy là đặc điểm, không nhất thiết phải là ưu hay khuyết điểm. Suy cho cùng, bóng đá chỉ có những cách chơi, chiến thuật, lựa chọn khác nhau, chứ không có điều gì là đúng, là chắc chắn dẫn đến thành công. Chính Guardiola nói về điều này: “Khi chúng tôi thắng, người ta sẽ nói tôi là thiên tài, vì tôi biết cách xoay tua đội hình. Khi thua, người ta sẽ hỏi tại sao cứ phải xoay tua”.
Đấy cũng có thể là cách nói... lấp liếm, khi Guardiola thay 8 cầu thủ so với đội hình chính vừa thắng Dortmund ở tứ kết Champions League, và Man City thua Chelsea ở bán kết FA Cup? Tùy bạn. Như đã nói: Guardiola đâu phải là thánh mà cứ thành công mãi với thói quen xoay tua đội hình! Cũng có lúc, chính ông phải cay đắng nhận ra thất bại trong cách làm này (có chịu thừa nhận hay không mà thôi). Vấn đề là, thành công hay thất bại thì điều chắc chắn là Guardiola vẫn sẽ thay đổi đội hình, chiến thuật trong trận đấu tiếp theo. Như một con nghiện vậy. Guardiola nghiện cái công việc của chính mình - công việc mà ông phải luôn suy nghĩ hàng phút về nó.
Hãy dự đoán đội hình tiếp theo của Man City. Cũng khó khăn và kỳ thú không kém gì dự doán kết quả của một trận đấu.